Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_Debrecen

Kết quả

Về mục tiêu chiến dịch, quân đội Liên Xô và quân đội Romania hoàn toàn đạt được mục tiêu thứ nhất. Đó là đuổi quân Đức ra khỏi vùng Tây Transilvania, thu hồi toàn bộ vùng lãnh thổ của Romania mà năm 1940, Hitler đã "cắt" cho Hungary. Đối với mục tiêu thứ hai, Chiến dịch Debrecen là một chiến thắng không trọn vẹn đối với quân đội Liên Xô và quân đội Romania. Họ mới chỉ đạt được mục tiêu tiến đến tuyến sông Tisza ở giữa mặt trận. Tập đoàn quân 46 thu được kết quả lớn hơn cả ở cánh trái của mặt trận khi họ vượt qua sông Tisza, đánh chiếm hai thành phố quan trọng là Subotisa và Szeged và tiếp cận tuyến sông Danub. Tuy nhiên, quân đội Đức Quốc xã đã tổ chức nhiều đợt phản kích làm tiêu hao binh lực của Tập đoàn quân 46 nên ngày 29 tháng 10 năm 1944, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô phải điều Tập đoàn quân cận vệ 4 từ lực lượng dự bị đến Phương diện quân Ukraina 3 và bố trí nó tại khu vực Sombor, bên cánh trái Tập đoàn quân 46 của Phương diện quân Ukraina 2.[30] Tại cánh phải, Các cụm kỵ binh cơ giới và Quân đoàn xe tăng 23 (Liên Xô) không những không tiếp cận được tuyến sông Tisza mà còn bị thiệt hại khá nặng. Nguyên soái R. Ya. Malinovsky trong báo cáo gửi STAVKA thừa nhận việc Phương diện quân Ukraina 2 bị tổn thất khoảng 300 xe tăng.[31] Phương diện quân Ukraina 2 cũng không thực hiện được ý đồ tiến nhanh lên phía Bắc Budapest để bao vây cụm quân Đức - Hungary tại đây, làm cho Chiến dịch giải phóng Hungary kéo dài thêm gần 5 tháng nữa với những tổn thất không nhỏ.

Tuy không thành công trong việc nhanh chóng tiến vào Budapest, nhưng quân đội Liên Xô và Romania đã tiến sâu từ 60-120 dặm, giành được những vị trí bàn đạp thuận lợi để tiến đánh vào Budapest. Các hoạt động chiến sự tại đây cũng đã thu hút rất nhiều binh lực của Đức sang đây, để hổng nhiều khu vực khác trên mặt trận Xô-Đức.[32] Và cuối cùng, quân đội Liên Xô cũng đã giải phóng 1/3 lãnh thổ Hungary, vượt qua tấm bình phong vùng Nam Carpath che mặt Budapest và ngăn không cho quân Đức sử dụng các vị trí hiểm trở này làm nơi phòng thủ và trú đông.

Đối với quân đội Đức Quốc xã và Hungary, cuộc phản công ở Nyíregyháza là một thành công - mặc dù đây là lần cuối cùng mà quân Đức có thể đẩy lui một mũi tấn công có binh lực khá mạnh của quân đội Liên Xô. Nhờ đó, quân Đức và Hungary đã có thể thành lập được một phòng tuyến cứng rắn và cứu cho cụm quân Wöhler thoát khỏi thảm họa bị bao vây tiêu diệt tại Tây Transilvania. Tuy nhiên, thành công này chỉ đủ để trì hoãn ngày tận thế của Đệ tam Đế chế vì không lâu sau đó, ngày 30 tháng 10 Nyíregyháza rơi vào tay quân đội Liên Xô và đến ngày 7 tháng 11 thì họ đã tiến tới vùng ngoại vi của Budapest.[33]

Đánh giá

Ý định của Phương diện quân Ukraina 2 nhằm bao vây Tập đoàn quân 8 (Đức) và một phần Tập đoàn quân 2 (Hungary) ở Tây Transilvania không phải là một ý định tồi. Nhưng để thực hiện được điều đó, giống như tại Chiến dịch Iaşi-Chişinău, cần sự phối hợp của ít nhất 2 phương diện quân. Ngoài Phương diện quân Ukraina 2 đang giao chiến với các lực lượng xe tăng mạnh của Tập đoàn quân 6 (Đức) từ phía Nam Transilvania, còn cần đến sự tham gia của Phương diện quân Ukraina 4 đang tấn công ở Đông Slovakia, tiếp giáp với mặt bắc của Transilvania. Trong trường hợp này, chỉ giao nhiệm vụ đó cho Phương diện quân Ukraina 2 là không đủ. Trong báo cáo gửi về STAVKA ngày 28 tháng 10, Nguyên soái Liên Xô S. K. Timoshenko, đại diện của STAVKA tại các phương diện quân trên hướng Đông Nam châu Âu cho rằng, Phương diện quân Ukraina 2 bị phân tán trên mấy hướng chiến dịch ở phía Đông Bắc Budapest (Mishkol, Eger, Hatván) và phía Đông Nam Budapest (Szolnok, Kechkemet, Szerszard) nên binh lực phân tán và rải đều. Chỉ có Tập đoàn quân cận vệ 7 có ưu thế hơn một chút nên không đủ lực lượng để đột phá trên tuyến sông Tisza.[34] Sau chiến dịch Debrecen, S. K. Timoshenko đã lập tức đến Phương diện quân Ukraina 4 để tìm hiểu tại chỗ về mối quan hệ giữa I. E. Petrov (tư lệnh Phương diện quân) và L. Z. Mekhlis (Ủy viên Hội đồng quân sự Phương diện quân) cũng như những nguyên nhân mà phương diện quân này không thể phối hợp với Phương diện quân Ukraina 2 trong các hoạt động quân sự tại Transilvania.

Sự chấp chới trong các hoạt động quân sự xen lẫn với các cuộc đàm phán ngoại giao đã gây ra sự chậm trễ cho cuộc tấn công của Phương diện quân Ukraina 2. Lợi dụng cuộc đàm phán giữa Chính phủ của Horthy Miklós với Chính phủ Liên Xô cũng như những thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ giữa quân đội Liên Xô và quân đội Hungary, quân Đức đã rút được một số lượng đáng kể các sư đoàn Đức và Hungary khỏi Transilvania để đưa về củng cố tuyến phòng ngự ở khu vực Tisza. Sau khi hoàn thành cuộc điều quân quan trọng đó, tướng Johann Friessner mới tiến hành một cuộc đảo chính chớp nhoáng để vô hiệu hóa toàn bộ kết quả cuộc đàm phán Hungary - Liên Xô trước đó. Trong trường hợp này, phía Liên Xô đã không tính đến khả năng Hitler dám loại bỏ một đồng minh chính trị của mình là Horthy Miklós để đưa Ferenc Szálasi, một người mà Berlin hoàn toàn có thể tin cậy được cả về chính trị và quân sự lên đốc thúc quân đội Hungary tiếp tục chiến đấu. Đối với quân đội Đức Quốc xã, kết quả của những diễn biến chính trị - quân sự này còn quan trọng hơn chính kết quả của cái mà người ta vẫn gọi là "trận đấu xe tăng lớn gần Debrecen". Nó cho phép quân đội Đức Quốc xã và quân đội Hungary củng cố vững chắc hơn tuyến phòng ngự phía Đông thủ đô Hungary và kéo dài sự tồn tại của Đế chế thứ ba thêm nửa năm nữa; buộc quân đội Liên Xô, Romania và Bulgaria phải tiến hành cuộc tấn công bao vây kéo dài và tốn máu ở khu vực Budapest.[35]

Ảnh hưởng

Chiến dịch Debrecen không hoàn thành mục tiêu đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả tác chiến của quân đội Liên Xô và các đồng minh mới của họ (Romania và Bulgaria) tại mặt trận Hungary. Quân đội Đức Quốc xã hoàn toàn ý thức được rằng với binh lực hiện có, họ không thể đẩy quân đội Liên Xô ra khỏi bờ Đông sông Tisza trên khu vực Nyíregyháza trống trải mà muốn dùng đầu cầu này để uy hiếp phía sau các tập đoàn quân Liên Xô đang tấn công trên hướng trực tiếp uy hiếp Budapest: hướng Kunmadarat - Hatván. Vì vậy, cánh quân sườn phải của Phương diện quân Ukraina 2 buộc phải phân tán sang hướng Mishkol. Điều đó cũng có nghĩa là cánh quân chủ lực của phương diên quân này trên hướng chủ yếu nhằm vào Budapest sẽ yếu đi. Điều đó được chứng minh bằng sự kéo dài của Chiến dịch Budapest, một trong những chiến dịch ác liệt, khó khăn và kéo dài nhất đối với quân đội Liên Xô trong giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Xô-Đức (từ 29 tháng 10 năm 1944 đến 13 tháng 2 năm 1945).[36]

Bài học của Chiến dịch Debrecen cũng như thất bại trong cuộc đàm phán với Horthy Miklós cũng rất đắt giá đối với phía Liên Xô. Nó cho thấy một điều rằng khi bị dồn đến chân tường, nước Đức Quốc xã có thể còn có những hành động rất quyết liệt để kháng cự và không có một cuộc đàm phán hòa bình nào có thể thay thế được các hoạt động quân sự trên chiến trường. Khác với Romania và Bulgaria - những nơi mà trong xã hội hiện hữu nhiều luồng tư tưởng muốn rút quốc gia của mình khỏi chiến tranh và những nhân vật chính trị có tư tưởng đó nắm những địa vị quan trọng trong chính phủ và quân đội mà bộ máy SS và mật thám Đức không thể vô hiệu hóa được - thì tại Hungary, bằng những biện pháp đặc biệt được tiến hành ở hậu phương của Cụm tập đoàn quân Nam, những nguy cơ về một sự phản bội đã bị loại trừ (theo cách nói của tướng Johann Friessner).[19] Về khía cạnh quân sự, bài học của Debrecen cũng giúp cho quân đội Liên Xô rút ra những kinh nghiệm xương máu để đạt được thành công trong Chiến dịch phòng ngự hồ Balaton, bảo đảm chắc chắn cho thắng lợi của Chiến dịch Budapest.[37]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Debrecen http://lazarus.elte.hu/hun/digkonyv/topo/200e/39-4... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://militera.lib.ru/h/samsonov2/18.html http://militera.lib.ru/h/sovtankv/12.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/10.html http://militera.lib.ru/h/ww2_german/19.html http://militera.lib.ru/memo/german/friessner/07.ht... http://militera.lib.ru/memo/german/friessner/08.ht... http://militera.lib.ru/memo/german/friessner/15.ht... http://militera.lib.ru/memo/german/skorzeny1/19.ht...